TRƯỜNG TIỂU HỌC KIẾN QUỐC
TỔ CHỨC SINH HOẠT DƯỚI CỜ - TUẦN 18
CHỦ ĐỀ: EM VỚI LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG QUÊ EM
Ngày 6/1/2025, trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, trường tiểu học Kiến Quốc tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ chủ đề “Em với làng nghề truyền thống quê em”. Em Bùi Quang Đức – HS lớp 5B lên giới thiệu về Làng nghề mộc Cúc Bồ - Kiến Quốc (nay là xã Kiến Phúc – huyện Ninh Giang – tỉnh Hải Dương).
Làng nghề mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Làng nghề có truyền thống trên 400 năm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các bậc trong niên trong làng kể lại, làng Cúc Bồ xưa có tên là làng Gọc. Tương truyền tri phủ Bùi Đình Chiếu là người làng Cúc Bồ làm tri phủ Trấn Sơn Nam Hạ đã cho tìm thợ ở Nam Sang (Lý Nhân – Hà Nam) về dựng cho làng một ngôi đình. Công việc hoàn tất thì tình duyên nảy nở, có 2 anh em thợ họ Trần lấy vợ xin làm rể Cúc Bồ và trở thành người thợ làm đình đầu tiên của làng. Hai ông đã truyền dạy nghề cho thanh niên trong làng, từ đó Cúc Bồ có nhiều người tay nghề giỏi nổi tiếng về làm đình, chùa trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy mức sống của nhân dân trong làng tương đối cao so với mặt bằng nông thôn lúc bấy giờ.
Từ lâu trong vùng đã lưu truyền câu ngạn ngữ: “Tiền làng Gọc, thóc làng Chuông” để nói lên sự giàu có của Cúc Bồ. Đến năm 2003, tỉnh uỷ Hải Dương đã công nhận danh hiệu Làng nghề mộc thôn Cúc Bồ.
Nghề mộc Cúc Bồ thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của người thợ thủ công qua nhiều công đoạn như: pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo đến phun sơn... Thợ Cúc Bồ nổi danh khắp vùng với nhiều công trình văn hóa tiêu biểu như đình, chùa, đền, miếu.
Làng mộc Cúc Bồ hiện có 3 nhóm sản xuất hàng hoá chính: Nhóm sản xuất đồ dùng gia đình và trang trí nội thất; nhóm sản xuất các mặt hàng cao cấp như: sập, tủ, bàn ghế, tượng, phù điêu… và sử dụng công nghệ truyền thống: sơn sơn, thếp vàng; nhóm làm kiến trúc đình, chùa, đền miếu và tu bổ di tích.
Bên cạnh những mặt tích cực thì trong bối cảnh nền kinh tế thị trường làng nghề mộc Cúc Bồ cũng đối diện với nhiều khó khăn như: vốn, nguyên liệu, thị trường, lao động; bên cạnh đó quy mô sản xuất các hộ trong làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún; thị trường tiêu thu eo hẹp; máy móc sản xuất ở mức độ trung bình; ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, bụi, mùi hóa chất chưa được xử lý triệt để….
Để bảo tồn và phát triển làng nghề mộc Cúc Bồ cần sự vào cuộc của các cấp các ngành tại địa phương, triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển các trung tâm dạy nghề, phối hợp với các trường dạy nghề, mở lớp cho các học viên là người lao động tại làng nghề để nâng cao trình độ kỹ thuật và mỹ thuật; xây dựng chính sách thuế đơn giản tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, hỗ trợ phát triển cho làng nghề; chủ động nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu làng nghề; Tăng cường huy động nguồn vốn như Khuyến công,…; Nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường làng nghề…
Bảo tồn và phát triển làng nghề mộc Cúc Bồ là định hướng lâu dài góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại và giáo dục thế hệ trẻ nuôi dưỡng tình yêu nghề.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi sinh hoạt dưới cờ:
Em Bùi Quang Đức - HS lớp 5B giới thiệu về làng nghề mộc Cúc Bồ.
Văn nghệ “Tự hào nghề Mộc Cúc Bồ quê em” – Lớp 5B.
Tin và ảnh: TPT Đội.
|