GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01/2025: CHỦ ĐỀ MỪNG XUÂN ẤT TỴ
CUỐN SÁCH: Sự tích cây nêu ngày tết, sự tích ông công ông táo, sự tích bánh Chưng bánh Giầy
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Bạn đọc thân mến!
Vậy là chỉ còn gần 1 tháng nữa thôi là chúng ta đón Tết cổ truyền của dân tộc! Nhắc đến Tết là ta nghĩ ngay đến mùa xuân với đêm giao thừa thiêng liêng với pháo hoa rực rỡ. Người Việt Nam chúng ta có phong tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong sự hoà thuận, yêu thương và luôn cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Chính vì thế mà mọi người đều chuẩn bị cho cái Tết của gia đình mình thật đầy đủ về mọi mặt như trang trí nhà cửa, trồng hoa, làm bánh mứt và cùng nấu những món ăn ngon mang hương vị tết… và vui nhất là chúng ta được nhận những phong bao lì xì đỏ rực niềm vui và biết bao lời chúc tốt đẹp nữa! Với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết Nguyên đán có một giá trị tinh thần to lớn, giá trị đó ẩn sâu trong tâm tưởng và đời sống tâm linh của mỗi con người, trong gia đình và cả cộng đồng.
Thế nhưng bạn đọc đã bao giờ tự hỏi hay hỏi mọi người về phong tục Tết cổ truyền chưa? Để tìm hiểu rõ hơn về ngày Tết cổ truyền dân tộc. Hôm nay Thư viện trường Tiểu học Tân Quang muốn giới thiệu đến các độc giả bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam của nhà xuất bản Kim Đồng về chủ đề ngày Tết. Bộ truyện gồm 3 quyển: Sự tích ông công ông táo, sự tích cây nêu ngày Tết và sự tích bánh Chưng bánh Giầy. 3 cuốn sách đều có kích thước 14,5x20,5 cm, dày 31 trang. Sách in màu đẹp với nhiều tranh vẽ đậm chất dân gian chắc chắn sẽ gợi cho các em nhiều cảm nhận sâu sắc về cổ tích Việt.
Bạn đọc thân mến!
Cứ vào ngày 23 cháng 12 âm lịch mọi gia đình thường hay mua cá chép về thắp hương để đưa ông táo về trời. nhưng có lẽ nhiều đọc giả chưa hiểu rõ về phong tục này. Để hiểu rõ hơn về phong tục này, chúng ta hãy đến với truyện “Sự tích ông công ông Táo” nhé. Trong cuốn sách đã viết rất rõ: Táo Quân là cách gọi chung của 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Thần Thổ Công trông coi việc bếp núc. Thần Thổ Địa trông coi việc nhà cửa. Thần Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, 3 Táo cùng cưỡi cá chép về trời, báo cáo cho Ngọc Hoàng mọi việc dưới hạ giới năm ấy. Sau đó, chiều 30 các Táo lại về trần gian lo việc cũ. Cuốn truyện tranh này là câu chuyện tình cảm của ba vị thần trước khi được Ngọc Hoàng phong tước vị Táo Quân. Họ sống có tình có nghĩa như nào mà được giao trọng trách như vậy, để tìm hiểu rõ hơn nữa chúng ta hãy tìm đọc cuốn truyện tranh “Sự tích Táo Quân” hiện đang có tại thư viện nhé.
Cuốn sách thứ 2 thư viện muốn giới thiệu đến độc giả là cuốn: “Sự tích cây nêu ngày tết”. Hình ảnh cây nêu ngày Tết bắt nguồn từ “Sự tích cây nêu ngày Tết” là một hình ảnh thiêng liêng và vô cùng quen thuộc đối với dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người đang sửa soạn đón chào năm mới cùng với việc chuẩn bị cổ bàn để cúng gia tiên, tiển đưa ông táo về trời…thì nhà nào cũng trồng một cây nêu trước cổng nhà. Phong tục này đã được người dân Việt duy trì từ bao đời nay. Người ta quan niệm rằng, chính vì từ ngày Táo quân về trời cho đến đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày 23 tháng chạp, chậm nhất là chiều 30 Tết cho đến ngày 7 tháng Giêng thì triệt hạ, gọi là ‘hạ nêu’. Nội dung cuốn sách “Sự tích Cây Nêu Ngày Tết” kể về ngày xưa đất nước bị loài quỷ chiếm đoạt. Con người chỉ được ăn nhờ ở đậu trên đất của quỷ, làm lụng vất vả cũng chỉ để cung phụng hết cho lũ quỷ. Con người muốn làm điều gì phải chờ lệnh của quỷ. Có miếng ngon, người phải biếu quỷ trước… Cuối cùng, nhờ có sự mách bảo của Phật, người đã đuổi được lũ quỷ rồi từ đó con người được yên ổn làm ăn. Lũ quỷ van xin, Phật thương tình chấp thuận cho chúng một năm được về thăm viếng phần mộ tổ tiên vào dịp Tết. Vậy để ngăn chặn lũ quỹ không bén mảng đến làm hại dân làng, Phật đã làm gì để giúp con người? Chúng ta hãy cùng tìm đọc cuốn sách để biết rõ hơn nội dung trong cuốn sách nhé!
Từ “Sự tích cây nêu ngày Tết” chúng ta có thể thấy cây nêu ngày Tết được sử dụng chủ yếu để trừ ma diệt quỷ, xóa bỏ được những điềm xui trong năm cũ, mang lại cả năm may mắn, góp phần làm phong phú thêm cho sắc màu ngày Tết. Nhưng bên cạnh đó cây nêu còn để thờ phụng Thần linh, tổ tiên đó như là một lời nhắc nhở chúng ta luôn phải nhớ về cội nguồn của mình, "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam ngoài phong tục thả cá chép, dựng cây nêu mà còn rất nhiều phong tục khác. Đặt biệt trong ngày tết cổ truyền này không thể thiếu món bánh bánh chưng, bánh giầy. thế nhưng có lẽ còn nhiều độc giả chưa biết ý nghĩa của món bánh này và ai là người đầu tiên làm ra món bánh đặc biệt ấy. Để hiểu rõ hơn Chúng ta hãy đến với câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” nhé
Câu chuyện đã khẳng định rất rõ rằng: “Trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, bánh chưng vuông tượng Chưng cho đất. Đất có cỏ cây, rừng núi nên bánh có màu xanh. Bánh Giày tượng trưng cho trời nên có màu trắng, hình tròn và khum khum như vòm trời.
Ngày Tết người dân Việt ta thường dùng bánh chưng, bánh Giầy cúng tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, coi công ơn của tổ tiên lớn như trời đất. Món bánh ấy còn chứa đựng tâm tình ruộng đồng quê hương, nó được làm từ hạt gạo là hạt ngọc quý nhất trong trời đất. Chẳng thế mà hàng năm trong ngày giỗ tổ Hùng Vương người ta đều làm những chiếc bánh Chưng, bánh Giầy khổng lồ để cúng giỗ các vua Hùng đấy. Thế giờ chúng ta thấy 2 món bánh này ý nghĩa chưa nào? Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, cách thức làm món bánh này chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện “Sự tích bánh Chưng, bánh Giầy” nhé!
Vừa rồi cô đại diện cho thư viện trường đã giới thiệu đến các em bộ truyện tranh về ngày Tết. Khi mà ngày Tết đang đến rất gần rồi, cô mong rằng các em sẽ tìm đọc chúng để hiểu rõ hơn về các phong tục trong ngày Tết cổ truyền nước ta nhé. Cuối cùng, cô chúc các em học tập thật tốt để kỳ kiểm tra cuối kỳ 1 sắp tới của chúng ta đạt kết quả cao nhất để Tết này niềm vui thêm trọn vẹn nhé!
Cuốn sách có số ĐKCB: SDD- 0012; SDD – 00113; SDD – 0014.
|