GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1/2025
Chủ đề : Tết sum vầy – Xuân ơn Đảng
CUỐN SÁCH: SỰ TÍCH HOA ĐÀO, HOA MAI
Người Việt Nam chúng ta có phong tục hằng năm mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong sự hoà thuận, yêu thương và luôn cầu chúc cho nhau bằng những điều tốt lành… Chính vì thế mà mọi người đều chuẩn bị cho cái tết của gia đình mình thật đầy đủ về mọi mặt và tết Nguyên Đán đã trở thành lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của người Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, từ lâu, cây đào và cây mai đã trở thành loài cây quen thuộc trong mỗi ngày Tết. Nhưng có lẽ ít ai hiểu rằng vì sao hoa đào, hoa mai lại trở thành loài cây được nhắc đến nhiều nhất trong mùa xuân, trong những ngày Tết cổ truyền VN . trong bất kì gia đình nào, trên bàn thờ tổ tiên cũng có mâm ngũ quả, có bánh chưng, bánh giầy, có chú gà trống được đặt cúng lúc giao thừa. Và còn một loại hoa đặt bên mâm ngũ quả để tô đậm thêm không khí ngày tết và mang nhiều ý nghĩa nữa đó là một cành hoa đào hoặc hoa mai. Vì sao không phải là một loại hoa khác mà phải là hoa đào hoặc hoa mai các bạn nhỉ?
Để giúp các em hiểu được điều đó, trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay cô sẽ giới thiệu tới các em cuốn truyện tranh “ Sự tích hoa đào, hoa mai” của tác giả Minh Hiếu. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2015
Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần:
Phần một: Sự Tích Hoa Đào Ngày Tết (từ trang số 3 đến trang số 11)
Phần hai: Sự Tích Hoa Mai (từ trang số 12 đến trang số 31)
Phần một của cuốn sách là câu chuyện xuất phát từ một vùng phía đông núi Sóc Sơn thuộc miền Bắc nước ta. “Ngày xưa ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng”.
Cây đào cổ thụ ấy là nơi trú ngụ của 2 vị thần: thần Trà và thần Uất Lũy. Hai vị thần này sức vóc phi thường, lại tinh thông nhiều phép thuật. Thuở ấy, làng nào cũng bị ma quỷ vào quấy phá, cướp bóc làm dân lành vô cùng khổ sở và điêu đứng, nhưng riêng ở vùng núi Sóc Sơn thì chẳng ma quỷ nào dám bén mảng. Vì chúng biết rằng thần Trà và thần Uất Lũy sức mạnh phi thường, quyền uy lừng lẫy. Nếu đặt chân đến đó thì không tránh được sự trừng phạt của hai vị thần. Bọn ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Vì thế khi chỉ thấy cành hoa đào là chúng đã hoảng sợ mà chạy xa. Cho nên những ngày hai vị thần bận lên chầu Ngọc Hoàng thì dân làng bảo nhau chặt những cành hoa đào về cắm trong nhà để bọn ma quỷ thấy mà tránh xa, không dám tác oai, tác quái. Cũng từ đó câu chuyện được lan rộng khắp nơi, lâu dần việc ấy trở thành phong tục đẹp. Cứ mỗi dịp năm hết Tết đến nhà nhà đều có cành đào tươi thắm.
Và cô bé tên Mai trong phần hai “Sự Tích Hoa Mai” có gì bí ẩn, để tìm hiểu điều bí ẩn đó, xin mời quý thầy cô và các bạn học sinh hãy đến trang thư viện điện tử Nhà trường tìm đọc.( https://pubhtml5.com/homepage/lpvjy/)
Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho chúng ta những kiến thức lí thú về hai loài hoa thân thuộc của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.
Buổi tuyên truyền giới thiệu sách đến đây là hết. Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
Ninh Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Người viết bài
Nguyễn Thị Hồng
|