UBND HUYỆN NINH GIANG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 4,603,977 (Hôm nay: 24 online: 13) Toàn huyện: 190,232,970 (Hôm nay: 586 online: 352) Đăng nhập

Lời nói đầu

Các bạn đồng nghiệp và các em học sinh thân mến !

Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng là nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ thành hoàng ở các làng Việt cổ là ở chỗ, dù thời cuộc có biến đổi như thế nào, dù làng có chuyển nơi cư trú bao nhiêu lần, dù chính sách tôn giáo của Nhà nước có chặt chẽ hay cởi mở, dù dân làng giàu sang hay nghèo túng,… thì nhân vật được dân làng thờ làm Thành hoàng vẫn không thay đổi, mà tồn tại mãi mãi, suốt từ đời này đến đời khác.

  Ngày xưa rất nhiều làng có đình thờ thành hoàng làng, tuy nhiên trải qua nhiều biến cố của lịch sử ngày nay ít làng còn đình. Thôn Dậu Trì quê ta thật vinh dự  tự hào còn ngôi đình cổ kính nhất vùng. Dù vậy nhưng nhiều người và nhất là lớp trẻ hiểu về  thành hoàng  được thờ ở đình Dậu Trì  còn rất mơ hồ . Nhân dịp kỉ niệm 1049 năm ngày mất của Trần Lãm và ngày chính lễ hội đình Dậu Trì, tôi trân trọng giới thiệu tài liệu  ĐÌNH DẬU TRÌ . Tôi hy vọng với bố cục rõ ràng cùng những thông tin được tra cứu từ các tài liệu lịch sử quốc gia rất giá trị  sẽ giúp nhiều người hiểu thêm về vị thành hoàng làng được thờ tại đình Dậu trì. Tài liệu thay lời tri ân của  tôi tới tất cả các thế hệ cán bộ và nhân dân thôn Dậu Trì những  người đã có công xây dựng, giữ gìn và bảo tồn ngôi đình cổ kính.

       Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban quản lý di tích đình Dậu Trì đã tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành tài liệu này!  

 Tôi kính mong nhận được sự quan tâm của các quý thầy cô và các em học sinh để mỗi người  hiểu thêm về giai đoạn lịch sử dân tộc giữa thế kỉ thứ X đầy biến động và di tích lịch sử văn hóa ĐÌNH DẬU TRÌ.

                                                                      Tác giả

 

TÀI LIỆU TÌM HIỂU DI TÍCH  LỊCH SỬ

PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

 

 
 

 

 

 

                                              ĐÌNH DẬU TRÌ

 

XÃ HỒNG THÁI - HUYỆN NINH GIANG - TỈNH HẢI DƯƠNG

 

I- TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT.

  1. Đôi điều cần giải nghĩa về từ ngữ liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng viết trong tài liệu.

 Theo Từ điển Tiếng Việt - VIỆN NGÔN NGỮ HỌC- NXB ĐÀ NẴNG

- XUẤT BẢN NĂM  2002  giải nghĩa như sau:

- đình : Nhà công cộng của làng thời trước dùng làm nơi thờ thành hoàng và họp việc làng.

- thần : Lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ coi là linh thiêng , có thể   gây họa hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm duy tâm hoặc theo quan niệm tôn giáo.

  • thành hoàng :  Vị thần được thờ ở một làng.
  • miếu : Nơi thờ thần thánh( hoặc : những nhân vật đã được thần thánh hóa);  đền thờ nhỏ.
  • miễu : Miếu nhỏ.
  • sắc phong : Nhà vua ra sắc chỉ phong phẩm tước.
  • long đình : Kiệu có mui dành cho vua đi hoặc để rước thần.
  • đại tự : Chữ cỡ to( nói về chữ Hán viết trên hoành phi,…)

    - thần thánh hóa : Làm cho trở thành có tính chất siêu tự nhiên như thần.

 

2.Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay

   Ở  các làng xã, nông thôn Việt Nam, Thành Hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành Hoàng cũng giống như Thờ cúng tổ tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

   Việc thờ thành hoàng của nhiều làng xã Việt Nam đôi khi là thờ một sức mạnh tự nhiên nào đó (như thần sông, thần núi, thần sấm, thần sét, thần mây, thần mưa). Trong số các vị thần này, nơi nào thờ loại thần gì là tùy thuộc vào đặc điểm cư trú của làng đó. Chẳng hạn, những làng ở hai bên bờ các con sông thường là thờ các vị thủy thần; những làng ở trên sườn núi thường thờ thần núi (sơn thần).

    Một số làng thờ những nhân vật lịch sử làm thành hoàng làng mình là những vị anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc, như các vị: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật, …

    Một số làng thờ vị có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng là Hứa Vĩnh Kiều, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái là Nguyễn Công Truyền, ở Quảng Bố là Nguyễn Công Nghệ,.

   

 

 

     Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ thành hoàng của các làng Việt cổ là

ở chỗ, dù thời cuộc có biến đổi như thế nào, dù làng có chuyển nơi cư trú

bao nhiêu lần, dù chính sách tôn giáo của Nhà nước có chặt chẽ hay cởi mở, dù dân làng giàu sang hay nghèo túng,… thì nhân vật được dân làng thờ làm thành hoàng vẫn không thay đổi, mà tồn tại mãi mãi, suốt từ đời này đến đời khác.

3. Tên gọi

     Nhân dân Hồng Thái đại đa số là dân tộc Kinh theo đạo Phật. Trước kia làng nào cũng xây dựng đình, chùa. Tuy nhiên trải qua nhiều biến cố lịch sử hiện nay chỉ còn 1 ngôi đình cổ kính nhất . Ngôi đình  đó nằm tại thôn Dậu Trì nên nhân dân địa phương lấy tên làng đặt tên cho đình.

 Vì vậy tên thường gọi :   ĐÌNH DẬU TRÌ

4. Địa điểm đình Dậu Trì.

Vị trí của đình trong làng

    Đình Dậu Trì tọa lạc trên một khu đất cao ráo nằm ở trung tâm làng Dậu Trì. Mặt tiền của đình quay về phía đông bắc, phía tây và phía bắc giáp đường thôn và khu dân cư, phía nam giáp khu dân cư .

Đường chính đi đến đình

   Từ thành phố Hải Dương theo tỉnh lộ 37 đến Cầu Me thuộc địa phận xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang đi theo đường liên huyện 4km thì ta đến UBND xã Hông Thái. Từ UBND xã Hồng Thái đi theo đường liên thôn  khoảng chừng 1,5km là đến làng Dậu Trì. Qua chiếc cổng làng cổ kính ta sẽ tới   đình Dậu Trì. Đến với di tích đình Dậu Trì ta có thể đi bằng ô tô, xe máy, xe đạp đều rất thuận lợi dễ dàng.

 

 

 

5.Câu hỏi cần trả lời

 Vậy  vị thần nào hay nhân vật lịch sử nào đã được thần thánh hóa được thờ tại đình Dậu Trì ?

Tại sao người đó lại được nhân dân  tôn thờ là thành hoàng  của làng Dậu Trì ?

 

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cùng ngược dòng lịch sử  dân tộc trở về thời gian cách đây hơn nghìn năm qua tài liệu ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ – NXB THỜI ĐẠI - tại nội dung phần KỶ NHÀ NGÔ và KỶ NHÀ ĐINH ; tài liệu ĐỊA CHÍ HẢI DƯƠNG- NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA tại nội dung  CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC THỜ Ở CÁC ĐÌNH LÀNG TRONG HUYỆN  NINH GIANG;  tài liệu THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA VIỆT NAM – NXB GIÁO DỤC và một số tài liệu khác như DANH NHÂN ĐẤT VIỆT, ….

 

II-SỰ KIỆN, NHÂN VẬT,  DI TÍCH

  1. Sự kiện    

    Vào mùa đông, tháng 10 năm 938, Ngô Quyền đại thắng  quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Sau chiến thắng Bạch Đằng Ngô Quyền lên ngôi vua mở ra thời kì độc lập cho dân tộc. Ngô Quyền ở ngôi vua được 6 năm đến năm 944 thì mất. Sau  khi Ngô Quyền mất các thế lực trong triều đình mất đoàn kết gây bè phái tranh giành ngôi báu. Từ  đó các hùng trưởng cũng đua nhau nổi dậy chiếm cứ các quận các ấp để tự giữ cai quản.  Từ giữa thế kỉ thứ 10 đất nước loạn lạc  trong cảnh 12 sứ quân đánh giết lẫn nhau tranh nhau làm trưởng. Lịch sử  gọi đây là thời kì loạn 12 sứ quân.

 

 

2.Nhân vật

Trong 12  sứ quân đó có sứ quân do ông Trần Lãm là thủ lĩnh, không có sách nào ghi năm sinh của Trần Lãm.  Trần Lãm quê ở Kỳ Bố Hải Khẩu. Kỳ Bố Hải Khẩu xưa kia thì ngày nay là xã Kì Bố  huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình . Trần Lãm  là con của Trần Đức, khi Trần Đức mất, Trần Lãm trở thành người kế nghiệp, đã cùng mẹ là Lâm Thị và các em Trần Thăng, Trần Nguyên Thái gây dựng lực lượng ở Kỳ Bố Hải Khẩu. Sứ quân của Trần Lãm  chiếm cứ một vùng đất ven biển rất mạnh về nghề biển. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công. Ông có đội ngũ thuộc hạ hùng mạnh gồm nhiều tướng giỏi .

     Trần Minh Công là người có đức có tài nhưng không có con trai, ông chỉ có một người con gái là Trần Nương .

    Cùng thời đó, ở  Hoa Lư – Ninh Bình  có Đinh Bộ Lĩnh cũng dấy binh dẹp loạn. Lực lượng do  Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy  đã dẹp được lực lượng do Lữ Xử Bình, Kiều Công Hãn và sứ quân của Đỗ Cảnh Thạc. Đinh Bộ Lĩnh ở Ninh Bình  bất hòa với chú nên khi biết gia cảnh của Trần Minh Công  bèn cùng với con trai là Đinh Liễn  tìm đến  hợp sức cùng Trần Minh Công và nương tựa ông. Vị thủ lĩnh Trần Minh Công vốn có mắt tinh đời thấy Đinh Bộ Lĩnh dung mạo khôi ngô lạ thường lại có khí độ hơn người, biết Đinh Bộ Lĩnh từ nhỏ đã cùng trẻ dùng cờ lau đánh trận giả và luôn được lũ trẻ công kênh trong trò chơi Vua tôi nên Trần Minh Công mới nhận làm con nuôi. Trần Minh Công nuôi dạy Đinh Bộ Lĩnh với tấm lòng thân tình như cha với con đẻ. Càng ngày  Trần Minh Công càng nhận thấy Đinh Bộ Lĩnh xuất chúng hơn người nên ông đối đãi  rất hậu hĩnh và tin tưởng việc quân. Đã nhiều lần Trần Minh Công  cùng Đinh Bộ Lĩnh

 

 

xuất quân thu phục các sứ quân  và  đã thu phục được nhiều hùng trưởng khác. Dần dần Trần Minh Công giao cho Đinh Bộ Lĩnh  trông coi việc quân  sai đi đánh các hùng trưởng khác đều thắng  .

      Trần Lãm ( Trần Minh Công) mất ngày 10 tháng 10 năm 967 tại  Lạc Đạo, hiện nay là thôn Lạc Đạo thuộc xã Hồng Quang (Nam Trực, Nam Định)  .

3.Tôn vinh

      Sau khi mất Trần Lãm   được nhân dân nhiều vùng tôn thờ ông là thành hoàng làng và lập đình thờ ông, nhiều nhất là ở Thái Bình  và Nam Định.  Sau khi cha nuôi  qua đời,  Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục việc dẹp loạn thu phục một số sứ quân còn lại và thống nhất nước nhà . Đinh Bộ Lĩnh  lên ngôi hoàng đế  năm 968 và xưng vương là Đinh Tiên Hoàng lập nên cơ nghiệp nhà Đinh.

 Ghi nhớ công lao người cha nuôi vua  Đinh cho dân nhiều nơi lập  đình, đền thờ Trần Lãm.

Tại Thái Bình, Trần Lãm được thờ làm thành hoàng làng tại đình Bo (phường Kỳ Bá) và đình Lạc Đạo (phường Trần Lãm) và miếu Vua Lãm ở thành phố Thái Bình. Tên tuổi của Sứ quân Trần Lãm cũng được đặt cho phường Trần Lãm, các trường tiểu học và THCS Trần Lãm, đường Trần Lãm và khu đô thị Trần Lãm,... ở thành phố này.

Tại Nam Định, Ông được thờ ở đền Xám, xã Hồng Quang huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Tương truyền đây cũng là nơi ông lập căn cứ tới khi mất. Cuốn ngọc phả: " Sứ quân ở Bố Hải Khẩu Trần Minh Công" do tiến sĩ Lê Tung viết ngày 2 tháng 10 niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) hiện

còn lưu giữ tại đình có ghi lại sự kiện lúc sinh thời Trần Minh Công có qua xứ Lạc Đạo, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình,dân cư thuần phác bèn lập sinh từ, giúp địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Ông mất vào ngày 10 tháng 10 tại thôn Lạc Đạo. Vua Đinh Tiên Hoàng sai dân sở tại phụng thờ, hàng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự " Quốc đô Thành hoàng". Lễ hội đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Trần Lãm cũng được lập đền thờ ở đình Đông và đình Tây thuộc xã Mỹ Phúc (Mỹ LộcNam Định). Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hai ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ. Lễ hội 2 đình được tổ chức vào ngày 10 tháng tư âm lịch hằng năm.

Điều chúng ta dễ nhận thấy lễ hội ở các đình , đền thờ Ông mở vào các ngày khác nhau chứ không nhất thiết vào ngày Ông mất(10 tháng  10 )

4. Di tích đình Dậu Trì

a) Ngôi miếu  ở Dậu Trì thờ  vị thần đó là  nhân vật lịch sử Trần Lãm hiệu là Trần Minh Công  đã được thần thánh hóa.

Tương truyền : Trong cuộc kháng chiến chống quân  Nguyên xâm  lược  vua Trần  làm lễ xuất chinh cầu đảo thiên địa bách thần linh thiêng phù giúp.Tự nhiên có cơn gió lớn rồi hiện ra đám mây hồng, nhà vua hỏi: Nay thế giặc mạnh Trẫm ra trận được, thua ra sao? Trong đám mây có tiếng nói: Thiên hạ gặp loạn tôi là trung thần họ Trần gia, húy hiệu Minh Công  đã hành binh Mậu Ngọ niên nguyện giúp bệ hạ đánh tan quân giặc” thế rồi đám mây bay đi. Vào đêm trước khi ra trận vua Trần  thấy một người cao lớn râu tóc bạc trắng xưng là Trần Minh Công hiển linh báo mộng nhắc nhở vua ngày mai giờ nào xuất trận cho thuận lợi và để ông phù giúp vua. Sau khi đại thắng quân Nguyên,vua mở tiệc mừng chiến thắng và trọng thưởng người có công với nước . Vua nhớ lại lời báo ứng  của Trần Minh Công nên đã sắc phong cho Ngài là : “ Mậu Ngọ Đại Vương chí đức tôn thần” và ủy thác cho quan Bộ Lễ đến khu Dậu, xã Dậu Trạch, tổng Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, quận Hạ Hồng tức là thôn Dậu Trì xã Hồng Thái ,huyện Ninh Giang ngày nay để thăm hỏi. Quan Bộ Lễ cho hội họp các cụ bô lão đến hầu, phụng lãnh một đạo sắc văn và 312 quan tiền để về xây miếu  xuân thu phụng thờ Trần Minh Công. Giao cho khu Dậu phụng thờ tế lễ truyền cho muôn đời giữ gìn việc hương hỏa người có công với nước. Theo các cụ trong làng kể lại ngày xưa miếu thờ ở gần chùa Dậu Trì, miếu đó bị Pháp phá sập năm 1951.

Như vậy đến đây ta biết Trần Lãm  hiệu  Trần Minh Công là nhân vật lịch sử có công lớn trong việc dẹp loạn 12 sứ quân giữa thế kỉ thứ 10.  Công lao của Ông đã được sử sách ghi chép  tường minh . Quan Bộ Lễ  được vua Trần ủy nhiệm mang tiền về  giao cho khu Dậu Trạch  lập miếu phụng thờ tế lễ truyền cho muôn đời giữ gìn việc hương hỏa người có công với nước nên ta khẳng định Ông  là nhân vật lịch sử đã được thần thánh hóa .

b) Đình Dậu Trì là ngôi đình cổ kính gắn liền với những sắc phong của các vua triều Nguyễn.

- Năm khởi dựng

 Đình Dậu Trì được nhân dân địa phương khởi dựng  vào năm Kỷ Sửu (1889) để thờ vị thành hoàng làng Trần Lãm hiệu là  Trần Minh Công.

- Những hiện vật cổ có giá trị

Do có công lao giúp nhà Đinh và âm phù nhà Trần đánh giặc  Nguyên nên Trần Minh Công được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Thời xưa đình có khá  nhiều cổ vật quý, nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên nhiều cổ vật đã mất và một số bị hư hỏng, nhất là hệ thống bia ký, câu đối , đại tự, dụng cụ tổ chức hành lễ rước thần.  Tuy vậy hiện nay

đình Dậu Trì vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị và nhiều đồ tế tự mới do nhân dân mới sắm.  Các  cổ  vật cụ thể như sau :

a)Về đồ giấy :

  • 1 quyển thần tích soạn vào năm Hồng Đức thứ 5 (1474), do Văn minh đại học sĩ Nguyễn Bính phụng sao,cửu phẩm thư lại Nguyễn Đức Minh phụng viết.

 Đình Dậu Trì   còn giữ được 6 đạo  sắc phong dưới thời Nguyễn. Đó là

-1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 6 phong vào ngày 10 tháng 11 năm 1853.

  • 1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 33 phong vào ngày 24 tháng 11 năm 1880.
  • 1 đạo sắc do vua Đồng Khánh  năm thứ 2 phong vào ngày 1 tháng 7 năm 1887.

 

  • 1 đạo sắc do vua  Duy Tân năm thứ 3 phong vào ngày 11tháng 8 năm 1909.

 

  • 2 đạo sắc do vua  Khải Định  năm thứ 9 phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924.

b)Về đồ gỗ

  • 1  nhang án thời Nguyễn ( Đầu thế kỷ 20)
  • 1 sập thờ thời Nguyễn (Thế kỷ 19)
  • 1 kiếm thờ thời Nguyễn( Thế kỷ 19)
  • 1 hòm sắc sơn son thiếp vàng thời Nguyễn ( Thế kỷ 19)
  • 1 bộ bát bửu thời Nguyễn (Thế kỷ 19)

 

  •  
  • 2 ngai thờ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (Thế kỷ 19)
  • 1 long đình thời Nguyễn(Thế kỷ 19)

Và  một số bức đại tự, câu đối.

                                   Long đình thời Nguyễn

 

 

c)Đồ gốm

  • 1 bát hương Phù Lãng( Thế kỷ 19)
  • 1 bát hương đất nung ( Thế kỷ 19)
  • 1 nậm rượu ( Thế kỷ 19)
  • 2 chóe sứ ( Thế kỷ 19)

Sắc do vua Tự Đức  năm thứ sáu phong vào ngày 10 tháng 11 năm 1853 . Nội dung sắc phong được dịch  như sau( Bản dịch Sở văn hóa tỉnh Hải Hưng)

 

 Sắc cho thôn Dậu, xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nguyên  phụng thờ thần hiệu chưa được dự phong. Đến nay kế thừa mệnh lớn, ban ân rộng rãi. Đặc biệt ban cho Thần là Thành hoàng của ta một đạo sắc văn tặng là “ Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần”( Thần là Thành hoàng nơi này linh thiêng phù giúp).Lại cho phép các thôn phụng thờ, thần sẽ giúp đỡ bảo vệ dân lành của ta.

                                                               Kính thay !

 

 

III-  ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC  BÀI TRÍ TRONG ĐÌNH  VÀ BẢO TỒN DI TÍCH.

1.Đặc điểm kiến trúc   .

Đình   được xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh(  丁 ) . Đình kiến trúc theo lối cổ, có chạm khắc Long,

 

 

Ly, Quy, Phượng, chim muông, hoa lá với những đường nét hết sức tinh xảo.


                                    Toàn cảnh đình Dậu Trì

 

Đình gồm 5 gian đại bái  và 3 gian hậu cung . Gọi  ngắn gọn là tòa đại bái và tòa hậu cung, tòa hậu cung chỉ mở khi có lễ hội  lớn của làng.

Tòa đại bái dài 12,55m, rộng 4,3 m có 8 cột lim chắc chắn. Có kiến trúc đặc trưng của đình làng Việt Nam  đây là một tòa nhà đẹp chắc chắn và khá hoàn thiện.

Tòa hậu cung  dài 6,6m rộng 5,25 m. Các vì kèo của tòa hậu cung được  các nghệ nhân dân gian kiến tạo khá công phu.

Tất cả phần mộc của tòa dại bái và tòa hậu cung đều bằng gỗ lim chắc chắn.  Nền đình trước kia là gạch bát tràng ngày nay một phần nền

được lát gạch men hoa. Ngoài bậc hè vẫn giữ nguyên gạch cổ.

 

2. Bài trí trong đình

 a)Tòa đại bái

                                   Toàn cảnh tòa đại bái

 

  • Ngày nay trong đình  Dậu Trì ở gian trung tâm trong tòa đại bái là bàn thờ lớn có đặt bát hương, lục bình và nhiều đồ tế tự khác thờ Thành hoàng làng Trần Lãm- Trần Minh Công. Thẳng phía trên nhang án chính là BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA tiếp  phía trên là bản Sắc phong của vua  Duy Tân năm thứ 3 phong vào ngày 11tháng 8 năm 1909 . Đầu hồi  phía phải trên cao bên trong đình treo bản Sắc phong  do vua Tự Đức năm thứ 33 phong vào ngày 24 tháng 11 năm 1880.


                                Toàn cảnh gian trung tâm tòa đại bái

       Sắc phong của vua Duy Tânnăm thứ ba phong ngày 11 tháng 8 năm 1909

Ở gian kề bên phải  dân làng lập bia đá  ghi danh và thờ  29 liệt sỹ là những người con ưu tú của dân làng đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến  chống thực dân đế quốc và chiến tranh bảo vệ biên giới. 

                        Bia ghi danh 29 liệt sỹ của thôn  Dậu Trì

  • Ở gian kề bên trái là Bảng vàng ghi danh những cá nhân tập thể cung tiến đình.

 

  •  Trong đình có 8 cột đình bằng gỗ lim to và chắc chắn.

Trên xà thượng của tòa đại bái là các bức đại tự viết bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng khá đẹp.

  • Bức thứ nhất ở gian chính giữa  có 4 chữ “ Thánh thọ vô cương” dịch nghĩa là “ Bậc Thánh thọ vô hạn”
  • Bức thứ hai ở gian kề bên phải có 4 chữ “ Thần di đa phúc”

dịch nghĩa là “Vị thần để lại cho đời sau nhiều phúc”

  • Bức thứ 3 ở gian kề bên trái có 4 chữ “ Dĩ hòa vi quý”

dịch nghĩa là “Lấy điều hòa thuận làm điều quý nhất”

Ngoài ra trong đình còn bài trí 4 đôi câu đối nền triện gấm, chữ đen, sơn son thiếp vàng rất đẹp.  Đặc biệt trong đình còn lưu giữ được 2 câu đối lòng máng khắc bằng chữ Nho nguyên văn như sau:

“ Bạch Ngọc hoa khai, rực khởi lô kỳ trương nhất thống.

Hồng vân sắc hiện, bất lao thạch mã độ Trùng Hưng”

Dịch nghĩa : “ Bạch ngọc nở hoa, vùng dậy cờ lau giành thống nhất.

Mây hồng xuất hiện, chẳng chồn ngựa đá đuổi quân Nguyên.”

 

b)Tòa hậu cung

                                     Toàn cảnh tòa hậu cung

- Tại gian thứ nhất có đặt bát hương, bát bửu , kiếm thờ và một số đồ thờ tự khác. Phía trong là ban thờ lớn trên đặt 1 cỗ ngai sơn son thiếp vàng khá đẹp thờ Thành hoàng trong hậu cung. Phía trên tòa hậu cung ở gian chính giữa  là Sắc phong do vua  Khải Định  năm thứ 9 phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, kế bên phải là Sắc phong do vua Đồng Khánh  năm thứ 2 phong vào ngày 1 tháng 7 năm 1887, kế bên trái là Sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 6 phong vào ngày 10 tháng 11 năm 1853.

Sắc phong do vua  Khải Định  năm thứ 9 phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924

Sắc phong do vua Đồng Khánh  năm thứ 2 phong vào ngày 1 tháng 7 năm 1887

   Sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 6 phong vào ngày 10 tháng 11 năm 1853.

 3. Bảo tồn

 Thời phong kiến  đình được trùng tu hai lần vào năm 1906 và 1916.

Trải qua những biến cố của lịch sử và  mưa nắng của thời gian đình làng Dậu Trì xuống cấp nhưng nhờ có những tấm lòng hảo tâm của  nhiều người dân trong làng và khách thập phương đã công đức   đình làng được đầu tư trùng tu  khang trang đẹp đẽ nhưng vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của kiến trúc xưa.

 Năm 2004,  đình  Dậu Trì  được  UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử .

 IV- PHONG TỤC  LỄ HỘI

1. Thời phong kiến

Mỗi dịp Tết đến xuân về   đình làng là nơi tổ chức các lễ hội đầu năm, là nơi hẹn hò gặp mặt của những người con xa quê trở về cội nguồn. Đình Dậu Trì  đã chứng kiến bao lễ hội rước thần,tế lễ Trời, Phật, thành hoàng  cầu cho “ Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để dân chúng được mùa, an khang thịnh vượng”. Nhưng lễ hội đình  Dậu Trì  đông vui nhất là vào  

 

 

ngày 12 tháng 11 và ngày 12 tháng 5 âm lịch, theo  dân làng kể : Các cụ  Tổ  của làng  từ xưa  truyền cho đời sau để con cháu  biết đó là ngày  sinh và ngày giỗ của  Thành hoàng làng(Như vậy thông tin về ngày mất của Trần Minh Công có sự sai lệch với thông tin ghi ở cuốn Ngọc phả đình Xám , thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định . Điều này không sách nào giải thích lý do vì sao. Nhưng ta thấy đó là chuyện bình thường như trên đã viết các đình , đền thờ Ông mỗi nơi lại tổ chức lễ hội các ngày khác nhau không nhất thiết là ngày mất của Ông 10 tháng 10).

Lễ 12 tháng 5 chỉ mở cửa đình cho nhân dân vào lễ không có nghi lễ rước thần không có các trò chơi dân gian. Trong 1 năm lễ hội lớn nhất là lễ hội kỉ niệm ngày sinh của thành hoàng làng được  tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 11 âm lịch, trong đó ngày 11 là ngày chính hội.

Tóm tắt lễ hội  tháng 11 như sau: Sau khi  thu hoạch xong mùa màng , người dân trong làng đã sớm chuẩn bị cho lễ hội. Họ dùng những sản vật của nông nghiệp làm lễ cung thỉnh Thành hoàng làng.

- Ngày 10 là ngày mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp chồng kiệu lau rửa bàn thờ, bao sái đồ thờ,cờ hội, …. chuẩn bị cho ngày chính hội. Nhân dân trong làng tự bảo nhau quét dọn đường làng ngõ xóm cho thật sạch sẽ để cả làng bước vào kỳ lễ hội thật vui.

- Ngày 11 là ngày chính hội . Từ sáng sớm bô lão và dân làng đã tập trung tại đình để rước thần từ đình ra miếu. Đình cách miếu 200 m về phía Tây, miếu đó bị Pháp phá sập năm 1951) Đoàn rước có bát bửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống đi thành hàng từ đình ra miếu, tới miếu thì dừng lại tế lễ . Sau đó rước về đình và tại đình tiếp tục tế lễ đến chiều tối.

- Ngày 12 là ngày thi các mâm ngũ quả và thi lợn tế giữa 4 giáp trong làng là: Đoài Thượng; Đoài hạ; Đoài nam; Đoài Bắc. Điều đặc biệt trong việc thi lợn tế ở đây là  không thi lợn to hay lợn nhỏ mà chỉ thi lợn có được vệ

 

sinh sạch sẽ không. Muốn giật giải đòi hỏi mỗi giáp phải rất cẩn thận trong việc chăn nuôi đến khi làm thịt lợn để tế.

-Ngày 13 là ngày tế dã đám, kết thúc lễ hội.

  Xưa kia trong kì lễ hội ngoài nghi lễ rước thần và tế lễ  còn có các trò chơi dân gian như múa lân, kéo co, chọi gà, diễn chèo,  đi cầu thùm.…

Trong thời kì kháng chiến chống Pháp  lễ hội đình Dậu Trì không được tổ chức và sau đó có nhưng đơn giản gọn nhẹ.

2.Ngày nay

 Đến năm 1996 lễ hội đình Dậu Trì mới được mở trở lại và duy trì đến nay hình thức lễ hội  tuy đơn giản nhưng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân ở địa phương.

V-  GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHOA HỌC

Đình Dậu Trì là một di tích lịch sử- văn hóa tôn thờ Thành hoàng làng theo đúng tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt. Từ xưa đến nay đình  Dậu Trì là nơi  thờ Thành hoàng làng Trần lãm hiệu là Trần Minh Công người có công phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lập nên cơ nghiệp nhà Đinh thế kỷ thứ  10. Sau khi mất âm phù nhà Trần đánh giặc Nguyên thế kỉ 13.Công lao của Ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự và trong các tài liệu được lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội.  Trong thời kì kháng chiến chống Pháp nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Năm 1946, Mặt trận Việt Minh lấy đình Dậu Trì là cơ sở hoạt động. Từ năm 1946 đến năm 1950 đình là công binh xưởng, là nơi tập kết của huyện đội Ninh Giang. Đình Dậu Trì cũng là cơ sở của phong trào cách mạng địa phương trong kháng chiến chống  Pháp. Tìm hiểu thân thế sự nghiệp của vị Thành hoàng làng Dậu Trì giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình thống nhất nước nhà từ giữa thế kỉ thứ 10  đầy biến động. Tìm hiểu về di tích lịch sử đình Dậu Trì để mỗi chúng ta hiểu thêm truyền thống, đạo lý sống của người Việt “Uống nước nhớ nguồn” hậu thế luôn ghi nhớ biết ơn công lao của các bậc tiền nhân với đất nước. Tận mắt thấy các sắc phong của 4 vua triều Nguyễn và nhiều cổ vật khác tại đình ta  vô cùng biết ơn các thế hệ dân làng đã gìn giữ bảo vệ   các cổ vật để lớp trẻ như chúng ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc .

    Dù  ở chân trời góc bể nào nhưng người dân Dậu Trì luôn nhớ về cội nguồn, nơi đó có ngôi đình cổ kính với  ngày hội làng vui không sao tả hết. Mỗi dịp Tết đến  xuân về hay  nhân ngày hội làng Dậu Trì   kính mời các bạn  gần xa  về vãn cảnh quê tôi, thăm ngôi đình cổ kính  giữa vùng quê thanh bình. Các bạn sẽ có dịp  tận mắt thấy tòa đại bái ,  tòa hậu cung để trân trọng kính lễ tướng công Trần Lãm hiệu là Trần Minh Công người có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lập nên cơ nghiệp nhà Đinh và âm phù vua Trần đánh giặc Nguyên.

     Xin trân trọng cảm ơn các thế hệ dân làng Dậu Trạch xưa Dậu Trì nay đã xây dựng,gìn giữ bảo tồn di tích đình Dậu Trì để hậu thế biết thêm về lịch sử  nước nhà.

     Xin trân trọng cảm ơn Ban quản lý di tích lịch sử đình Dậu Trì đã tạo điều kiện giúp đỡ để tôi hoàn thành tài liệu!

    Chân thành cảm ơn sự tham gia góp ý động viên của quý vị thôn nhà,thông tin xin gửi tới địa chỉ: Trịnh Thị Nhung -Trường Tiểu học Hồng Thái, Ninh Giang,Hải Dương.

Hoặc địa chỉ thư điện tử : nhungtieuhochongthai@gmail.com

                                              Hồng Thái, ngày 15 tháng 10 năm 2016

                                                                    Người viết  

                                                                Trịnh Thị Nhung 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
Địa chỉ: huyện Ninh Giang - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Nguyễn Văn Hướng
Đăng nhập