UBND HUYỆN NINH GIANG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 4,650,695 (Hôm nay: 228 online: 10) Toàn huyện: 190,232,970 (Hôm nay: 949 online: 704) Đăng nhập

         Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Những lời nói và bài viết của Người về sự nghiệp trồng người là một trong những di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta và Ngành Giáo dục. Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vận mệnh đất nước ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cho đến ngày cả nước "xẻ dọc Trường Sơn" để giành độc lập, tự do cho dân tộc, non sông thu về một mối, Người luôn luôn dõi theo, nắm vững tình hình giáo dục để kịp thời động viên, nhắc nhở. Bác Hồ kính yêu chỉ có một ham muốn tột bậc là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Cách đây 51 năm, vào ngày 15/10/1968, trong hoàn cảnh chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, Bác vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngày khai giảng năm học, cho ngành giáo dục qua bức thư nhân ngày khai giảng năm học 1968 - 1969, Bác đã viết "Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới". Sinh thời, Bác đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho Ngành Giáo dục trước lúc đi xa. Bức thư luôn được là "Di chúc" của Bác dành riêng cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mà cả đối với dân tộc Việt Nam.

         Bức thư của Bác được viết hết sức cô đọng, hàm súc (khoảng 800 chữ), thực sự truyền cảm và lay động trái tim người đọc. Nội dung bức thư thể hiện tư tưởng, triết lý sâu sắc về giáo dục và đào tạo, đầy chất nhân văn, cần được các nhà lãnh đạo, quản lý, các giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên vận dụng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Những lời dạy tâm huyết của Bác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là phương châm, phương pháp cho những người làm công tác giáo dục hôm nay và mai sau.

         Trong nội dung chính của bức thư, Bác phấn khởi biểu dương những thành tích đạt được của sự nghiệp giáo dục nước nhà: "Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết"; rồi Bác nêu lên một số thành tích tiêu biểu như: miền Bắc đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, số người đi học đã hơn 6 triệu, hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp… và khẳng định "Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ". Theo Bác, đạt được thành tích như vậy bên cạnh có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của nhân dân, điều quan trọng là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân ngành Giáo dục "do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

         Ghi nhận thành tích của ngành Giáo dục, đồng thời Bác cũng chỉ ra nhiệm vụ cách mạng nước ta nói chung và ngành Giáo dục nói riêng còn hết sức khó khăn, gian khổ và nặng nề hơn trước. Từ đó, Người ân cần căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi và yêu cầu: "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…" và "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật". Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ấy, Bác căn dặn là phải đoàn kết chặt chẽ và phát huy dân chủ trong nhà trường: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó". Bác rất coi trọng vấn đề đoàn kết và tinh thần dân chủ. Hai điều ấy là động lực mạnh mẽ để cách mạng thành công.

         Người nhấn mạnh: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng", "phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt" và "nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". Trước đó, vào ngày 21/10/1964, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác cũng đã từng nói: "Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa", "Bác đối với nhà trường, đối với nền giáo dục của ta, tuy chưa phải là trăm phần trăm mãn nguyện, nhưng càng ngày Bác càng bằng lòng hơn: năm nay bằng lòng hơn năm ngoái và sang năm chắc sẽ bằng lòng hơn năm nay", "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ".

         Phần cuối bức thư, Bác Hồ nêu rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới".

                                                                                                         Tin và bài: LTU

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
Địa chỉ: huyện Ninh Giang - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Nguyễn Văn Hướng
Đăng nhập