UBND HUYỆN NINH GIANG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 4,652,916 (Hôm nay: 116 online: 18) Toàn huyện: 190,232,970 (Hôm nay: 364 online: 1,225) Đăng nhập

TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN QUANG TỔ CHỨC CHO ĐỘI VIÊN, THIẾU NHI

VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN

           Căn cứ vào công văn số: 60 – CV/LN của Huyện Đoàn – Phòng GD & ĐT huyện Ninh Giang ngày 28/3/2022 về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Thực hiện kế hoạch công tác Đội  trường TH Tân Quang năm học 2021 – 2022. Chiều ngày 14/5/2022, Liên đội trường Tiểu học Tân Quang phối hợp cùng nhà trường tổ chức cho Đội viên( Học sinh khối 4, 5) đi tham quan, trải nghiệm tại đền thờ Khúc Thừa Dụ và khu đi tích lịch sử tượng đài Bác Hồ tại thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương năm học 2021- 2022.

            Nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục cho đội viên, thiếu niên nhi đồng về lịch sử hào hùng của dân tộc, về truyền thống cách mạng của nhân dân ta gắn với các hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tiễn thông qua các hành trình về với di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, Hội đồng Đội huyện Ninh Giang đã chỉ đạo các Liên đội trường học tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện nhà.

           Điểm đến thứ nhất được Liên đội trường Tiểu học Tân Quang lựa chọn là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

           Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương: Đền thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc( Khúc Thừa Dụ, KhúcThừaHạo,KhúcThừaMỹ).
           Đền thờ Khúc Thừa Dụ được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và là một danh lam thắng cảnh đẹp của xã Kiến Quốc cũng như tỉnh Hải Dương nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam.

         Khúc Thừa Dụ là một trong những anh hùng dân tộc có công đầu dựng nước ở thế kỷ X. Khởi nghiệp là một hào trưởng đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, thuộc xã Kiến Quốc, Khúc Thừa Dụ là người đã tạo dựng những nền móng ban đầu cho công cuộc giành độc lập, xây dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt ách thống trị của phong kiến phương bắc trong những năm đầu thế kỷ thứ 10. Con và cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ tiếp tục nối nghiệp cha ông, có công củng cố độc lập, thực hiện quản lý chính quyền đến cấp làng, xã.

           Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Ðể tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người dân trong vùng Hồng Châu đã đóng góp xây dựng đình làng Cúc Bồ trên một khoảng đất rộng ở phía nam của làng, cách đê sông Luộc chừng 300 m. Năm 2005, tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng đền Cúc Bồ thờ ba vị Anh hùng họ Khúc là: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, ngay cạnh đình cổ làng Cúc Bồ. Công trình có tổng diện tích hơn 57.000 m2, sử dụng ba loại vật liệu chủ yếu là: Ðá xanh, gỗ lim và đồng. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, bao gồm nhiều công trình văn hóa nghệ thuật như: Tam quan, Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hai bên có nhà Tả vu, Hữu vu, giếng mắt rồng, phù điêu đá, tượng Linh thú, hồ sen, cầu đá, tứ trụ... Tất cả được xây dựng theo kiến trúc truyền thống.

        Những vẻ đẹp và hoành tráng của khuôn viên di tích là sự phản ánh đúng tầm vóc của một con người có công lao dựng nền tự chủ đầu tiên của nước nhà. Không gian kiến trúc của đền được bố trí hài hòa, với sự kết hợp của nhiều loại nguyên vật liệu, mà đặc biệt là những kết cấu điêu khắc bằng gỗ và đá. Bên cạnh đó, phải kể đến những hình khối tượng trưng cho tứ trụ, bát quái, những rồng đá, hoa sen, hình tượng tứ linh, những biểu tượng của vũ trụ, âm dương quần lợi… Đây là những tác phẩm nghệ thuật  đặc biệt, mà người nghệ nhân đã khéo léo sử dụng bàn tay, khối óc và đưa vào đó nội dung, khái niệm lịch sử và triết lí nhân sinh quan và vũ trụ quan; là những biểu tượng của sức mạnh, quyền uy… thể hiện cho tầm vóc và công lao của họ Khúc với vận mệnh đất nước.

           Trung tâm của đền Khúc Thừa Dụ, được gọi là Thượng điện. Tại đây, các ban thờ được bố trí theo những quy định chuẩn mực và có nội dung ý nghĩa sâu sắc. Ban công đồng đặt chính giữa, có đặt bức hoành phi 4 chữ ghi là: “Thiên Nam Chính Khí”: dịch nghĩa là Họ Khúc là chính nghĩa trời Nam. Và hai bên là ban thờ “Lưỡng ban”, có 2 hoành phi: bên phải “Hồng Châu anh kiệt”, dịch nghĩa là: Bậc anh hùng, hào kiệt đất Hồng Châu. Bên trái “Hùng Phong do tại”: dịch nghĩa là: Phong thái anh hùng như còn đây. Tại đền Khúc Thừa Dụ còn có những bức tranh nghệ thuật có tên là “Khúc hoan ca”, mô tả cảnh thái bình, cuộc sống yên vui của cư dân dưới nền tự chủ đầu tiên; bên cạnh đó là cảnh “tụ nghĩa”, rèn quân sỹ. Nội dung mà bức tranh này chuyển tải chính là sự thể hiện cho tinh thần thượng võ, ước vọng hòa bình, ổn định phồn vinh của dân tộc Việt Nam.

           Tại khu cung điện của đền, có 3 pho tượng đồng lớn: tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đặt giữa, tượng Trung chúa Khúc Hạo bên phải, và bên trái là tượng Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ với thanh gươm cầm trên tay thể hiện cho uy quyền và tài trí “Đức trùm thiên hạ”.. là một pho tượng có chiều sâu về thần thái, thể hiện sắc thái của một vị đế vương, có dung mạo uy nghi, khí tiết hơn người.

           Đền thờ Khúc Thừa Dụ là một công trình có ý nghĩa tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc dòng họ Khúc thời kỳ tiền độc lập dân tộc. Cùng với ý nghĩa về văn hóa tâm linh và du lịch, Đền thờ Khúc Thừa Dụ cũng là điểm đến du lịch, tham quan, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn trên mảnh đất Hải Dương.

           Sau đây là một số hình ảnh của học sinh trường Tiểu học Tân Quang tại đền thờ Khúc Thừa Dụ.

 

 

 

 

            Địa chỉ đỏ tiếp theo Liên đội đến thăm là Khu đi tích lịch sử tượng đài Bác Hồ tại thôn Mai Xá,

xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

           Khu di tích Tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương để kỷ niệm sự kiện Bác Hồ về thăm xã Hiệp Lực năm 1962. Từ thành phố Hải Dương về đến di tích tượng đài kỷ niệm khoảng 31km theo Quốc lộ 37.

            Xã Hiệp Lực được vinh dự đón Bác về thăm ngày 26/7/1962 vì xã là một trong những đơn vị có phong trào chống úng khá nhất tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ. Ninh Giang nói chung và xã Hiệp Lực nói riêng khi đó được gọi là “cái rốn nước” vì mỗi khi mưa là ngập úng nhưng nhờ vào sự tích cực đắp bờ, khoanh vùng, tập trung tới 74 guồng nước cải tiến và các phương tiện khác để tiêu úng trong suốt 19 ngày liền mà Hiệp Lực đã đẩy lùi được úng và cấy xong vụ mùa.

             Cổ vũ tinh thần lao động hăng hái của nhân dân trong xã, Bác đọc đoạn thơ:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”

          Khi dùng guồng Bác nói: “Đồng bào làm việc thật vất vả nhưng | bước đầu đã thắng lợi. Hãy cố gắng cho thắng lợi hoàn toàn. Năm nay mưa nhiều, nhiều nơi bị ngập úng. Ninh Giang là một trong những điểm ngập úng nặng nhưng lại khắc phục tốt, đặc biệt xã Hiệp Lực. Bác biểu dương tinh thần quyết tâm của bà con và khen ngợi nhân dân xã Hiệp Lực. Bác mong toàn huyện noi gương Hiệp Lực trong việc chống úng lụt, ổn định sản xuất vì lụt lội vốn thường xuyên xảy ra làm cho đời sống nhân dân khó khăn. Muốn vậy, công tác thủy lợi là biện pháp hàng đầu. Phải làm tốt công tác thủy lợi mới nâng cao năng suất lúa màu và vươn lên thành một trong những điển hình của tỉnh”.

          Sau khi Bác về thăm, nhân dân xã Hiệp Lực đã chống ung thắng lợi với 245 mẫu lúa mùa chiều trũng thoát khỏi ngập úng được tiếp tục chăm bón, đến vụ thu hoạch lúa mùa năm ấy năng suất lúa đạt cao, phong trào thủy nông của xã có bước trưởng thành mới. Những lời dạy của Bác trở thành những lời huấn thị thiêng liêng, chứa chan tình nghĩa đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Hiệp Lực.

          Để ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm, ngày 10/6/1971, công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng tại vị trí nhìn xuống cánh đồng Sao của thôn Mai Xá, nơi Bác đạp guồng nước năm xưa trong niềm vui hân hoan của cán bộ và nhân dân Hiệp Lực. Mẫu tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực được nhà điêu khắc Nguyễn Phước Xanh cùng các sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội thiết kế và thực hiện. Khuôn viên khu di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hiệp Lực có tổng diện tích 20.588m, bao gồm các công trình như: Vườn cây Bác Hồ, khu tượng đài, nhà văn hóa thôn và ao cá. Trong đó tượng đài cao 5,7m (cả bệ) nhìn về hướng Bắc, thể hiện tư thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đứng cầm mũ vẫy chào cán bộ và nhân dân trong dịp về thăm, bên cạnh tượng Bác là bức phù điêu mô tả quang cảnh nhân dân sôi nổi chống úng. Bằng sự nỗ lực cao nhất của tập thể và nhân dân địa phương, ngày 06/02/1972 công trình đã hoàn thành.

          Công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng thiêng liêng không chỉ riêng xã Hiệp Lực mà của cả huyện Ninh Giang.

 

           Chuyến trải nghiệm thực tế tại đền thờ Khúc Thừa Dụ và tượng đài Bác đã kết thúc trong niềm hân hoan của các em học sinh. Qua buổi trải nghiệm thực tế này  giúp các em được bổ sung nhiều kiến thức về truyền thống lịch sử. Qua đó giúp các em biết ơn và trân trọng những công lao to lớn của thế hệ cha,ông . Góp phần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập của các em.

                                                                                                                                   Người viết bài: Nguyễn Thị Làn

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
Địa chỉ: huyện Ninh Giang - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Nguyễn Văn Hướng
Đăng nhập