UBND HUYỆN NINH GIANG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 4,534,156 (Hôm nay: 331 online: 44) Toàn huyện: 190,232,970 (Hôm nay: 650 online: 185) Đăng nhập

TUYÊN TRUYỀN KỈ NIỆM 56 NĂM NGÀY BÁC HỒ GỬI THƯ LẦN CUỐI CHO NGÀNH GIÁO DỤC (15/10/1968 – 15/10/2024)

Nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2024) chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người và tình cảm của Người với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại. Ở Người có một sự kết tinh lớn: Tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam. Bác là một vị anh hùng thời đại. Cả cuộc đời, Người đã sống, chiến đấu, lao động và học tập không mệt mỏi cho dân, cho nước, cho mục đích cao cả của nhân loại: Hoà bình, dân chủ và hạnh phúc.

Trong sự nghiệp vinh quang ấy, Người coi giáo dục là một kế sách lâu dài, là đòn bẩy cho sự văn minh, giàu mạnh của một dân tộc và của cả nhân loại. Bởi thế, nên bất cứ lúc nào Người đều quan tâm, chăm sóc đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Cách đây 56 năm, vào ngày 15/10/1968 nhân dịp khai giảng năm học 1968 – 1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ, cô giáo, thầy giáo, CNV và HS trong cả nước. Đây là bức thư cuối cùng mà Bác gửi cho thầy trò chúng ta trước lúc đi xa. Nó có ý nghĩa trong đại và vô cùng thiêng liêng đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân tộc Việt Nam trong cuộc hành trình của lịch sử đấu tranh giành hạnh phúc, văn minh và hùng mạnh.

Vì vậy, hàng năm vào dịp này, toàn thể thầy giáo, cô giáo và học sinh trong cả nước đều ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình mà Bác đã giành cho chúng ta, đấy cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình đã làm được gì, sẽ phấn đấu như thế nào để đền đáp lại những mong muốn lớn lao của Bác.

Ngay từ năm 1945, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn giành thời gian quý báu để quan tâm, chăm sóc đến sự nghiệp giáo dục, giành thời gian viết thư thăm hỏi, động viên đến thầy, cô giáo và học sinh trong cả nước. Trong thư Bác đã biểu lộ niềm hân hoan, vui sướng trước cảnh tượng tuổi trẻ Việt Nam lần đầu tiên được cắp sách đến trường trên một đất nước dân chủ cộng hoà. Cũng trong bức thư này, Bác đã gửi tới tuổi trẻ những lời căn dặn ân tình mà thắm thiết: “Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong muốn cho các cháu giỏi giang. Trong năm học này, các cháu hãy siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn. sau hơn 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên toàn cầu. trong cuộc kiến thiết này, nước nhà trông mong, chờ đợi các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.

Cũng từ năm 1945, Người đã phát động phong trào “ Bình dân học vụ”, viết lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. Người viết: Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập, một công việc phải được thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí”. Cũng trong lời kêu gọi , Người chỉ rõ: “Mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà. Và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức mình vào bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Đặc biệt Người nhấn mạnh: “Phụ nữ lại càng phải học vì đã lâu chị em bị kìm hãm”. Bởi thế chỉ một thời gian ngắn, hầu hết nhân dân ta từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, từ miền xuôi đến miền ngược đã biết đọc, biết viết. Nó quả là một kỳ tích, một cuộc chạy đua vào thế giới văn minh và tiên tiến của dân tộc. Không chỉ viết thư mà Bác còn thường xuyên trực tiếp thăm hỏi, trò chuyện với các cháu học sinh và các thầy cô giáo ở nhiều trường học.

Trong Di chúc của Người, một lần nữa Bác nhắc nhở: “ Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn,có chí tiến thủ. Đảng, nhà nước, xã hội cần phải chăm lo giáo dục, đào tạo họ thành những người thừa kế vừa Hồng vừa Chuyên”. Và trong bức thư cuối cùng của Người gửi cho ngành Giáo dục (15-10-1968), sau những lời chúc mừng, thăm hỏi Bác đã dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt… phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn”. Và một lần nữa Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Bác yêu cầu: “ Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục về nhiều mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”...

Người đã đi xa, nhưng sự nghiệp của người gây dựng vẫn còn đó, những lời dạy bảo ân tình của Người vẫn còn đó. Sự nghiệp mà cả cuộc đời Người đã hy sinh phấn đấu đang trông chờ vào thế hệ chúng ta. Để xứng đáng với sự quan tâm, lòng mong mỏi thiết tha và lớn lao của Bác, chúng ta phải khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy, phải nổ lực hơn nữa để làm tròn trách nhiệm của mình, phấn đấu hết mình để thực hiện nhiệm vụ ving quang mà Bác và Đảng đã đề ra cho chúng ta: Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, xã hội hoá giáo dục, đổi mới giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, đáp ứng được công cuộc đổi mới đất nước của dân tộc. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải nỗ lực, đồng sức đồng lòng thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta phải thực hiện tốt phong trào thi đua "Hai tốt", phải xây dựng môi trường giáo dục “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Là người thầy cần phải biết tận tâm với nghề, không ngừng tu luyện chuyên môn, phải thân thiện với thầy, thân thiện với cộng đồng, thân thiện với trò, biết yêu thương chăm sóc trò để “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Là học trò phải biết kính trọng thầy, thân thiện với trò, thân thiện với môi tr­ường, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức và chuyên cần học tập, học một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, chống lối học tủ, học vẹt…

Học tập là phải học theo phương pháp của Bác Hồ: Học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo, nên trách nhiệm của những người thầy lại càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Bởi thế cả thầy, cả trò phải ra sức học tập: Học lý thuyết áp dụng vào thực tế bằng phương pháp tư duy khoa học. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải chống các tệ nạn xã hội để đảm bảo một môi trường giáo dục trong sáng và lành mạnh trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Có như thế, chúng ta mới góp phần xây dựng đất nước ta thực hiện tốt lời tốt theo lời dạy của Bác Hồ./.

                                                                                                               Tin và bài: Lê Tố Uyên

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
Địa chỉ: huyện Ninh Giang - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Nguyễn Văn Hướng
Đăng nhập