THƯ VIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC HƯNG LONG
TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 04/2025
Chủ điểm: Kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025
1. Người giới thiệu: NVTV: Bùi Thị Tuyết.
2. Đối tượng nghe: Giáo viên và học sinh toàn trường.
3. Hình thức giới thiệu: Đăng trên trang wepsite trường, zalo lớp.
4. Mục đích giới thiệu: Tuyên truyền cho học sinh về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.
5. Nội dung: Giới thiêị cuốn sách "Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống"
“Dân ta phải biết sử ta” - Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến lịch sử dân tộc, điều đầu tiên chúng ta cần nhớ đến những chiến công oanh liệt, những anh hùng hào kiệt đã làm rạng rỡ non sông đất nước.
Hướng tới hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04/ 1975- 30/04/2025, thư viện trường Tiểu học Hưng Long xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh cuốn tranh truyện lịch sử có tựa đề "Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống" do tác giả Phạm Trường Khang biên soạn, nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2012, kích thước sách là 14,5x20,5cm.
Có một thời kỳ lịch sử đầy biến động, khi ở biên giới phía Bắc, giặc Tống không ngừng nhòm ngó, nuôi mộng xâm lược để bóc lột nhân dân ta, lấp cho đầy lại quốc khô đang rỗng ruột, phía Nam thì Chiêm Thành ôm nỗi hận xưa, lại nghe theo lời xúi giục của Nhà Tống, manh nha bắt tay Tống uy hiếp Đại Việt. May mắn thay. Đại Việt tuy nhỏ, vua còn trẻ tuổi nhưng đã có các bậc công thần tài giỏi phù trợ trong đó có danh tướng Lý Thường Kiệt.
Ông vốn họ tên là Ngô Tuấn, tên tự là Thường Kiệt, sau được ban họ vua nên đổi thành Lý Thường Kiệt. Quê của ông ở xã An Xá, huyện Quảng Đức nay thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, sau chuyển sang ở phường Thái Hòa, nay thuộc khu vực nội thành thành phố Hà Nội. Ông là người văn võ toàn tài, được đào tạo từ nhỏ. Ông làm quan trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông làm đến chức Thái úy, tước Khai quốc công. Ông được vua Lý Nhân Tông ban cho hiệu “Thiên tử nghĩa đệ”.
Lý Thường Kiệt là người có công trong việc đánh dẹp quân Chăm pa xâm lấn, quấy nhiễu biên giới. Ông đặc biệt có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2 (1075 – 1077). Sau thất bại này, nhà Tống buộc phải giữ bang giao thân thiện với Đại Việt trong suốt 200 năm về sau.
Trong thời gian 19 năm Lý Thường Kiệt được giao nhiệm vụ là Tổng trấn Thanh Hóa (1082 - 1103), ông đã xây dựng Thanh Hóa thành vùng đất biên ải vững chắc về mọi mặt của nhà Lý. Ông đã củng cố bộ máy cai trị, sử dụng người tài, phát triển kinh tế, khuyến khích nghề nông, nghề đánh cá, nghề muối, nghề thủ công mỹ nghệ, phát triển văn hóa, khuyến khích học hành, xóa bỏ phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát triển Phật giáo.
Cuối năm 1103, Lý Thường Kiệt được cử đi dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu (Nghệ An) khi đã 84 tuổi. Năm 1105, ông về triều rồi mất ở tuổi 86.
Cuốn sách hiện có tại thư viện nhà trường, mời quý thầy cô và các em tìm đọc!
Hưng Long, ngày 07 tháng 04 năm 2025
Cán bộ thư viện
|