UBND HUYỆN NINH GIANG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 4,293,756 (Hôm nay: 21 online: 05) Toàn huyện: 190,232,970 (Hôm nay: 716 online: 369) Đăng nhập

    BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2024

GIỚI THIỆU CUỐN TIỂU THUYẾT " NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ"

TÁC GIẢ: VICTOR HUYGÔ

       Những người khốn khổ là tuyệt tác lớn nhất, có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của Victor Hugo. Ông suy nghĩ về tác phẩm này và viết nó trong vòng ba mươi năm, hoàn thành vào năm 1861. Lấy bối cảnh Paris trong những năm 1830, chế độ phản động của Luis XVIII, cuộc cách mạng 1830, 1832 đem đến những biến đổi xã hội sâu sắc và cả trong tư tưởng của nhà văn. Hugo đặc biệt quan tâm đến những vấn đề trong xã hội, những bất công và tàn bạo của xã hội đương thời. Chế độ đã đày đọa con người về cả thể xác lẫn tinh thần. “Ông diễn tả chế độ như một thực thể nhất trí trong việc áp bức, bóc lột, ruồng rẫy những người cùng khổ, đè lên người họ như tòa án, tổ chức cảnh binh, quân đội, nhà tù với báo chí, dư luận, thành kiến, tập quán.” Ông muốn “thủ tiêu chế độ mãi dâm đối với đàn bàn, thủ tiêu chế độ nô lệ đối với đàn ông, thủ tiêu đêm tối đối với con trẻ” (G- những người khốn khổ). Ông giữ một niềm tin mãnh liệt vào khả năng hoàn lương của con người. Họ dù đi đến đường cùng hay cuộc đời nghiệt ngã buộc họ xa rời bản ngã ban đầu, trở nên xấu xa đớn hèn, nhưng rồi vẫn sẽ được cảm hóa để giữ đúng bản tính thiện của con người. Nhân vật trong tác phẩm của Victor Hugo thường mang tầm vóc siêu việt, những đột biến cao cả trong lòng người, gây những ấn tượng hùng vĩ trong hình dung người đọc. Những nhân vật chính diện đều sáng ngời đức hào hiệp, hy sinh. Họ như là một vì tinh túy lấp lánh giữa đêm trường đen tối, để lại cho con người những hướng nhìn tích cực hơn về đau thương của một thời đã vãng.

        Bản thân Những người khốn khổ có rất nhiều câu chuyện, nhân vật với những cuộc đời khác nhau, nhưng sợi dây nối những mảnh đời riêng biệt này lại là câu chuyện về Jean Valjean, người cựu tù khổ sai, người đang cố gắng sống vì một xã hội tốt đẹp nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Sau 19 năm ngồi tù với số tù 24601 vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho con của người chị gái, người nông dân Jean Valjean được thả. Tuy nhiên anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó từng phạm tội, vì vậy Jean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh là Giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu. Khi mọi người đã ngủ, Jean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của Giám mục và chạy trốn, anh bị bắt lại sau đó nhưng lại được ông Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Khi chia tay vị Giám mục già nói với Jean Valjean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người.

Tám năm sau Valjean, nay mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng thành phố nhỏ nơi ông sinh sống, Valjean phải mang tên giả để tránh sự phát hiện của thanh tra Javert vẫn đang truy tìm ông ráo riết. Tuy nhiên số phận buộc Valjean phải để lộ danh tính của mình khi một người đàn ông khác bị nhầm là Jean Valjean và bị bắt đưa ra tòa. Cùng lúc này, Valjean gặp Fantine, một cô gái đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng của ông và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette, em đang phải sống với gia đình nhà Thenardier độc ác. Trước khi Fantine chết, Valjean hứa với cô sẽ chăm sóc Cosette cẩn thận, ông trả tiền cho lão chủ quán trọ Thenardier để giải phóng cho Cosette và cùng em chạy trốn lên Paris khỏi sự truy đuổi của Javert. Ở Paris, hai người trú trong một nhà tu kín mà Javert không được quyền khám xét, vì vậy họ tạm thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của viên thanh tra.

Chín năm sau sau cái chết của tướng Lamarque, người duy nhất trong giới lãnh đạo Pháp có cảm tình với giai cấp lao động, nhóm sinh viên đứng đầu là Enjolras tức giận với chế độ đã chuẩn bị cho một cuộc cách mạng vào đêm ngày mùng 5, rạng sáng mùng 6 tháng 6 năm 1832. Cuộc cách mạng cũng có sự tham gia của những người nghèo khổ, trong đó có cậu bé lang thang Gavroche. Một trong những người tham gia cách mạng là Marius Pontmercy, một sinh viên bị gia đình xa lánh vì quan điểm tự do của mình, anh đã đem lòng yêu Cosette, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ hết sức xinh đẹp. Gia đình nhà Thenardier cũng đã chuyển tới Paris, trở thành những kẻ lang thang trộm cắp, sau khi thỏa thuận với Javert về việc giao nộp Vanjean cho hắn, bọn họ đã tìm cách đột nhập nhà của Valjean trong khi Marius đang đến thăm Cosette. Tuy nhiên con gái của Thenardier là Eponine cũng đã đem lòng yêu người sinh viên và cô đã thuyết phục bọn chúng rời khỏi đó.

Ngày hôm sau cuộc cách mạng nổ ra, những sinh viên bắt đầu dựng chiến lũy trên những con phố hẹp ở Paris. Javert đã trà trộn vào hàng ngũ sinh viên nhưng bị Gavroche phát hiện và Enjolras đã bắt giữ hắn. Khi biết người yêu của Cosette cũng tham gia nổi dậy, Valjean đã gia nhập với họ, bởi vì ông muốn bảo vệ Marius. Ông đã xin Enjolras thả Javert. Eponine cũng đứng vào hàng ngũ khởi nghĩa để bảo vệ Marius và cô đã chết hạnh phúc trên tay Marius sau khi hứng một viên đạn thay anh. Trong trận chiến tiếp theo, Valjean cứu sống Javert khỏi tay những người sinh viên và để viên thanh tra đi. Ông cũng cứu được Marius khi đó đã bị thương, nhưng tất cả những người khác, kể cả Enjolras và Gavroche đều đã bị giết. Valjean vác theo Marius chạy trốn theo những đường cống ngầm ở Paris, khi ra đến miệng cống ông chạm trán Javert, ông cố gắng thuyết phục Javert cho mình thời gian để trả Marius về gia đình của anh. Javert đồng ý đề nghị của Jean và nhận ra rằng ông ta đang bị kẹt giữa niềm tin vào luật pháp và niềm tin vào lòng tốt của con người mà Valjean đã cho viên thanh tra thấy, Javert cũng hiểu rằng ông không bao giờ có thể nộp Valjean cho chính quyền được nữa. Không thể chịu đựng nổi tình trạng khó xử này, Javert nhảy xuống sông Seine tự vẫn.

Marius và Cosette cưới nhau. Trước lễ cưới, Valjean đã kể hết cho Marius về quá khứ của mình. Ông quyết định bỏ đi mà không hề cho Cosette hay biết. Trong lễ cưới, vợ chồng Thenardier cải trang và trà trộn thành những người quý tộc để trộm cắp. Tuy nhiên, bọn chúng bị Marius phát hiện và yêu cầu rời khỏi lễ cưới. Gia đình Thenardier vô tình tiết lộ về việc Valjean đang "ở ẩn" trong một thánh đường và yêu cầu Marius phải cho chúng một khoản tiền nếu muốn việc này không đến tai cảnh sát. Mãi sau đó khi Valjean đã hấp hối, Marius mới nhận ra được lòng tốt của ông và chạy đến nhà Valjean cùng Cosette. Valjean chỉ còn kịp tiết lộ cho hai người về quá khứ của mình và rằng ông chỉ là người cha nuôi của Cosette trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Ông cũng đã có niềm hạnh phúc khi ở bên là đứa con gái nuôi yêu quý và con rể. Ông nói với họ rằng ông rất yêu quý họ, sau đó Valjean qua đời.

         Những người khốn khổ là một tác phẩm rất ý nghĩa và mang nhiều giá trị thực tiễn. "Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích."
        Những người khốn khổ là tiểu thuyết mang tính hiện thực, sử thi, có tầm bao quát xã hội và cũng là bài ca về tình yêu. Xét về hiện thực, tiểu thuyết của Victor Hugo miêu tả thế giới của những con người nghèo khổ một cách chân thực. Trên khía cạnh sử thi, tác phẩm đã miêu tả những sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp, đã khắc họa những xung đột lớn lao bên trong tâm hồn con người, giữa cái Thiện và cái Ác, giữa sự tôn trọng luật pháp và tôn trọng đạo lý làm người...

        Cuốn tiểu thuyết đồ sộ ấy đánh dấu một thời kì chuyển mình to lớn của lịch sử nước Pháp, một cuộc chiến tranh đang thai nghén sắp bùng nổ, những phận đời đang cựa mình trỗi dậy hoặc chìm vào bế tắc. Cuốn tiểu thuyết nói với chúng ta được nhiều hơn bất kỳ một cuốn sử thi nào.

        Hi vọng cuốn tiểu thuyết sẽ giúp các thầy cô giáo và các em hiểu hơn về xã hội nước Pháp nói chung và nền văn học nước Pháp nói riêng. Buổi giới thiệu sách đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại các thầy cô giáo và các em học sinh trong buổi GTS lần sau. Xin chân thành cảm ơn!

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
Địa chỉ: huyện Ninh Giang - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Phạm Phú Tùng
Đăng nhập